Tuyên truyền V/v tổ chức Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn huyện.
ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN LÂM THAO
Số: 455/UBND-VHTT
V/v tổ chức Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn huyện.
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Lâm Thao, ngày 07 tháng 4 năm 2023
|
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.
Thực hiện Văn bản số 252/SVHTTDL-QLDSVH ngày 06/4/2023 của Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ về việc tổ chức lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 17/3/2023 của UBND huyện Lâm Thao về việc tổ chức các hoạt động Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023.
Ủy ban nhân dân huyện Lâm Thao hướng dẫn nghi lễ và một số nội dung tổ chức lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn huyện như sau:
I. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
1. Thời gian: Từ 7h00’, ngày 29 tháng 4 năm 2023 (tức ngày mùng 10/3 năm Quý Mão) cùng thời gian Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại đền Thượng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
2. Địa điểm: Tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn các xã, thị trấn (di tích thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ, thờ vợ con, tướng lĩnh của các vua Hùng, các vị có công với dân với nước thời Hùng Vương).
3. Nội dung:
3.1. Công tác tuyên truyền:
- Tuyên truyền các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất nước và con người Việt Nam được vun đắp, hình thành từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh; tập trung nêu bật những kết quả trong việc kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, gắn với tuyên truyền những nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng các 2 hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
- Tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, về truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân - những người đã có công lao, đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh, dựng xây và phát triển đất nước.
- Tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng cùng những phong tục, tập quán tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam và vùng Đất Tổ; cổ vũ các tầng lớp Nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
- Tuyên truyền, tôn vinh giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là "Hát Xoan Phú Thọ" và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" ở Phú Thọ; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của nhân dân trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của quê hương Đất Tổ, xây dựng Thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, góp phần phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ.
- Tuyên truyền, quảng bá về các hoạt động Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ và các di sản văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh để đông đảo Nhân dân được biết và tham dự các hoạt động trong thời gian tổ chức lễ hội.
- Tuyên truyền, vận động người dân khi tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương chấp hành tốt các nội quy, quy định; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong ứng xử, đón đồng bào và du khách về dự các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ.
3.2. Hình thức tuyên truyền
- Tuyên truyền cổ động trực quan: băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, màn hình điện tử, hệ thống loa phát thanh tại các khu vực trung tâm huyện, xã, thị trấn; các tuyến đường, phố chính của đơn vị; tuyên truyền tại các di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương;
- Treo cờ Tổ quốc, cờ hội tại các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn huyện.
- Tuyên truyền lưu động: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền văn nghệ, thông tin tổng hợp, tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở.
- Tuyên truyền lồng ghép thông qua việc tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các giải thi đấu thể thao.
- Tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử của huyện và Trang thông tin điện tử của các xã, thị trấn.
- Trang trí tại di tích: Tại vị trí trang trọng ở phía trước di tích lịch sử - văn hóa treo cờ Tổ quốc và cờ hội (từ trong di tích nhìn ra, cờ Tổ quốc treo bên phải, cờ hội treo bên trái và cờ tổ quốc treo cao hơn cờ hội). Trong khuôn viên di tích treo cờ hội và hồng kỳ. Biểu ngữ tại cổng chính dẫn vào di tích, khu vực lễ hội thống nhất chung tiêu đề: “Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch đất tổ 2023”. Băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền: Thực hiện theo công văn số 403/UBND-VHTT, ngày 30/3/2023 của UBND huyện Lâm Thao Về việc hướng dẫn tuyên truyền Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ năm 2023.
3.3. Tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm
- Nghi thức tổ chức: Tổ chức nghi thức dâng hương tưởng niệm theo truyền thống của địa phương, đảm bảo trang nghiêm, thành kính, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí tưởng niệm thiêng liêng, hướng về cội nguồn, mang tính cộng đồng, tránh sự cải biên mang tính áp đặt chủ quan làm biến dạng nghi lễ truyền thống.
- Thành phần: Đại diện lãnh đạo cấp ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và nhân dân địa phương.
- Lễ phẩm:
+ Bánh chưng: 18 chiếc (gói bọc lá dong tươi, lạt giang nhuộm hồng);
+ Bánh giầy: 18 chiếc (có dán chữ “Phúc” màu đỏ);
+ Hương, hoa, nước, trầu, cau, rượu, ngũ quả và những sản vật đặc trưng của địa phương.
- Trình tự lễ dâng hương:
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu (Không vỗ tay hoan nghênh);
+ Chủ lễ dâng hương, hoa, lễ vật;
+ Tế theo nghi thức truyền thống (nếu có);
+ Chủ lễ đọc lời tưởng niệm tri ân công đức các Vua Hùng (hoặc công đức của nhân vật lịch sử được thờ tại di tích);
+ Đại biểu, nhân dân dâng hương, hoa tưởng niệm.
- Nhạc lễ: Cử hành nhạc lễ đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt.
3.4. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao:
- Thời gian: 01 ngày.
- Địa điểm: Trên địa bàn xã, thị trấn có di tích.
- Nội dung hoạt động: Tùy thuộc vào không gian khu vực tổ chức lễ hội, điều kiện kinh phí và nhu cầu của nhân dân địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp. Chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của từng địa phương gắn liền với công trạng, lịch sử thờ tự của các nhân vật được thờ tại di tích. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện để cộng đồng dân cư tham gia nghi lễ và các hoạt động lễ hội với vai trò là chủ thể sáng tạo và thực hành di sản.
4. Tổ chức thực hiện
- UBND các xã, thị trấn có di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh.
- Thành lập Ban Tổ chức do Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm trưởng ban, chịu trách nhiệm tổ chức Lễ dâng hương đảm bảo nghi thức truyền thống; xem xét tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
- Các xã, thị trấn có các di tích văn hóa trên báo cáo UBND huyện (qua phòng VH-TT) trước ngày 15/4/2023.
Trên đây là hướng dẫn tổ chức Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương năm Quý Mão 2023. Yêu cầu UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện./.
signed-signed-cv chi dao to chuc dang huong ngay 10.3.pdf